Vắc xin VERORAB 0.5ml (Pháp) phòng bệnh dại

1. Thông tin vắc xin

Vắc xin Verorab có tác dụng tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại cho cả người lớn và trẻ em, sau khi tiếp xúc hoặc bị con vật nghi bị dại cắn.

Nguồn gốc

  • Vắc xin Verorab là vắc xin phòng dại cho trẻ em và người lớn, do tập đoàn hàng đầu thế giới về dược phẩm và chế phẩm sinh học Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất.

Đường tiêm

  • Tiêm bắp: với liều 0.5ml vắc xin đã hoàn nguyên, ở người lớn vào vùng cơ Delta ở cánh tay, trẻ nhỏ tiêm ở mặt trước – bên đùi. Không tiêm ở vùng mông.
  • Tiêm trong da: với liều 0.1ml vắc xin đã hoàn nguyên (bằng 1/5 liều tiêm bắp).

Chống chỉ định

  • Không được tiêm trong da ở những trường hợp sau: đang điều trị dài ngày bằng các thuốc ức chế miễn dịch (bao gồm cả corticoid), và thuốc Chloroquin; người bị khiếm khuyết miễn dịch; trẻ em hoặc người có vết cắn nặng phần đầu, cổ, hay đến khám trễ sau khi bị vết thương.

Thận trọng khi sử dụng

  • Người dị ứng với neomycin. Không tiêm cùng vị trí hay chung bơm tiêm vắc xin và immunoglobulin.
  • Không được tiêm vắc xin vào trong lòng mạch.
  • Phụ nữ có thai: hiện chưa có các bằng chứng Verorab gây ảnh hưởng đến thai nhi. Chính vì thế, nếu thai phụ bị chó dại cắn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại kịp thời. Đây là sự lựa chọn duy nhất để phòng bệnh dại phát cơn và gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ bầu.
  • Phụ nữ cho con bú: bệnh dại là bệnh chết người vì vậy không có hạn chế nào trên phụ nữ cho con bú.
  • Sử dụng ở trẻ em: bệnh dại là bệnh chết người, không có giới hạn tuổi tác và được sử dụng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi

Tác dụng không mong muốn

  • Phản ứng tại chỗ tiêm: sưng, đau, đỏ da.
  • Phản ứng toàn thân: mệt mỏi, đau đầu, có thể sốt, run rẩy, ngất. Có thể đau nhức xương khớp, đau cơ. Rối loạn dạ dày, ruột.
  • Hiếm gặp sốc phản vệ.

Bảo quản

  • Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C.

2. Đối tượng

Vắc xin Verorab (Pháp) phòng bệnh dại cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn.

3. Phác đồ , lịch tiêm

Lịch tiêm vắc xin dại dự phòng trước phơi nhiễm gồm 3 mũi: Vào các ngày 0-7-21 hoặc (28).

Lịch tiêm khi xác định có phơi nhiễm:

  • Người chưa tiêm dự phòng:

Tiêm 4 mũi (*): vào các ngày N0 – N3 – N7 – N28

Tiêm 5 mũi (**) vào các ngày N0 – N3 – N7- N14 – N28

Lưu ý:

(*) Con vật sau 10 ngày theo dõi

(**) Con vật chết, bệnh, không theo dõi được

Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn.

Không tiêm huyết thanh trễ hơn 7 ngày sau ngày tiêm liều đầu tiên vắc xin Dại.

  • Người đã tiêm dự phòng trước phơi nhiễm hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vắc xin Dại:
    Tiêm 2 mũi vào các ngày 0-3.

4. Phản ứng sau tiêm

Tiêm vắc xin dại về có sốt hay có triệu chứng gì không?

Sau khi tiêm vắc xin phòng vắc xin dại, người tiêm hay gặp những phản ứng nhẹ, không kéo dài và không cần điều trị đặc biệt. Đó là sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể, cụ thể như sau:

  • Tại chỗ tiêm: đau, quầng đỏ, sưng, ngứa và nốt cứng.
  • Toàn thân: sốt, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.

Lưu ý: Khi có phơi nhiễm (bị súc vật liếm, cào, cắn,…) phải sơ cứu và rửa sạch vết thương với thật nhiều nước và xà phòng. Sau đó rửa lại thật kỹ bằng nước sạch. Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn Iod. Đưa nạn nhân tới trung tâm tiêm chủng. Tùy vào mức độ của tiếp xúc mà bác sĩ có thể chỉ định tiêm thêm globulin miễn dịch.

Nên tiêm thêm vắc xin uốn ván ở tất cả các trường hợp có phơi nhiễm.

5. Tình trạng vắc xin

Để tham khảo thông tin tình trạng vắc xin, Quý khách vui lòng truy cập bảng giá.