- Trang chủ
- Các loại vắc xin cho trẻ em
Vắc xin ABHAYRAB 0.5ml (Ấn Độ) phòng bệnh dại
1. Thông tin vắc xin
Vắc xin Abhayrab có tác dụng tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh dại cho cả người lớn và trẻ em, sau khi tiếp xúc hoặc bị con vật nghi bị dại cắn.
Nguồn gốc
Vắc xin Abhayrab phòng bệnh dại tế bào vero tinh chế do công ty Human Biological Institute (Ấn Độ) sản xuất.
Đường tiêm
- Tiêm bắp (IM): người lớn tiêm ở vùng cơ Delta cánh tay, trẻ em tiêm ở mặt trước bên đùi. Không tiêm vào vùng mông.
- Trong một số trường hợp có thể áp dụng tiêm trong da (ID), tiêm ở cẳng tay hoặc cánh tay.
Chống chỉ định
- Không tiêm bắp ở người có rối loạn chảy máu như hemophilia hoặc giảm tiểu cầu.
Trường hợp trước phơi nhiễm:
- Hoãn tiêm khi khách hàng có sốt nhiễm trùng nặng, bệnh cấp tính, đợt tiến triển của bệnh mạn tính.
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc xin.
Trường hợp sau phơi nhiễm:
- Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm, do vậy không có chống chỉ định nào trong trường hợp điều trị sau phơi nhiễm.
Thận trọng khi sử dụng
- Không sử dụng đồng thời các thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid vì những thuốc này có thể cản trở quá trình sinh kháng thể bảo vệ.
- Sau khi bị cắn, rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa tạm vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương, tránh khâu vết thương vì có thể khiến virus dại xâm nhập dễ dàng hơn
- Trong trường hợp vết cắn rất nặng và vị trí vết thương gần đầu, nên thấm tại chỗ vết thương bằng globulin miễn dịch kháng virus dại.
- Trì hoãn việc bắt đầu điều trị sau phơi nhiễm, điều trị không triệt để hay không đủ phác đồ có thể làm cho việc bảo vệ khỏi virus dại bị thất bại.
Tương tác thuốc
- Không có sự tương tác với các chế phẩm khác. Tuy nhiên không sử dụng đồng thời các thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid vì những thuốc này có thể cản trở quá trình sinh kháng thể bảo vệ.
Tác dụng không mong muốn
- Abhayrab là vắc xin dại tế bào vero tinh chế nên rất an toàn. Các tác dụng phụ nhẹ tại chỗ tiêm và toàn thân ít gặp như: đau tại chỗ tiêm, ngứa, sốt, chóng mặt, đau đầu,… Hiếm hơn nữa là các phản ứng sốc phản vệ, nổi mày đay.
Chú ý đặc biệt
- Phụ nữ có thai: Hiện chưa có các bằng chứng liệu Abhayrab có gây ra quái thai hay không hoặc ảnh hưởng trên khả năng sinh sản. Vì vậy chỉ dùng trên phụ nữ có thai khi rõ cần thiết rõ ràng.
- Phụ nữ cho con bú: bệnh dại là bệnh chết người vì vậy không có hạn chế nào trên phụ nữ cho con bú
- Sử dụng ở trẻ em: bệnh dại là bệnh chết người, không có giới hạn tuổi tác và sử dụng cho trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ lạnh (từ 2 – 8 độ C). Không được đóng băng.
2. Đối tượng
Vắc xin Abhayrab phòng bệnh dại được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn.
3. Phác đồ , lịch tiêm
Lịch tiêm vắc xin dại dự phòng trước phơi nhiễm gồm 3 mũi: Vào các ngày 0-7-21 hoặc (28).
Lịch tiêm khi xác định có phơi nhiễm:
- Người chưa tiêm dự phòng:
Tiêm 4 mũi (*): vào các ngày N0 – N3 – N7 – N28
Tiêm 5 mũi (**) vào các ngày N0 – N3 – N7- N14 – N28
- Lưu ý:
(*) Con vật sau 10 ngày theo dõi
(**) Con vật chết, bệnh, không theo dõi được
- Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn.
- Không tiêm huyết thanh trễ hơn 7 ngày sau ngày tiêm liều đầu tiên vắc xin Dại
- Người đã tiêm dự phòng trước phơi nhiễm hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vắc xin Dại:
Tiêm 2 mũi vào các ngày 0-3.
4. Phản ứng sau tiêm
Vắc xin Abhayrab có độ an toàn cao. Tuy nhiên, người được tiêm có thể gặp một số phản ứng nhẹ, kéo dài từ 1- 2 ngày:
- Tại chỗ tiêm: đau, quầng đỏ, sưng, ngứa và nốt cứng
- Toàn thân: sốt, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
Lưu ý: Khi có phơi nhiễm (bị súc vật liếm, cào, cắn…) phải sơ cứu và rửa sạch vết thương với thật nhiều nước và xà phòng. Sau đó rửa lại thật kỹ bằng nước sạch. Tiếp tục rửa vết thương bằng cồn Iod. Đưa bệnh nhân tới trung tâm tiêm chủng. Tùy vào mức độ của tiếp xúc mà bác sĩ tiêm ngừa có thể chỉ định tiêm thêm globulin miễn dịch.
Nên tiêm thêm vắc xin uốn ván ở tất cả các trường hợp có phơi nhiễm.